TUẦN 05: KHƯỚC TỪ NHÃ NHẶN

TUẦN 05: KHƯỚC TỪ NHÃ NHẶN 
Tuần Thứ Năm như một người tập thiền đích thực. Tuần này, chúng ta sẽ khám phá kỹ thuật thiền mà tôi gọi là “Khước từ Nhã nhặn". Kỹ thuật này cho phép bạn xử lý khéo léo hơn trong nghệ thuật "gặp và chào đón" những ý nghĩ khó chịu.
Khước từ nhã nhặn



Tôi đã nói một lần nhưng chắc chắn nói lại nữa vẫn không thừa: Về bản chất, suy nghĩ không có gì sai. Bạn cần một tâm trí năng động, lành mạnh để tồn tại, làm việc, nuôi sống gia đình và nhớ đâu là chiếc bàn chải đánh răng của mình. Ở đây, tôi muốn đề cập đến loại suy nghĩ khác: Những ý nghĩ tiêu cực, vô giá trị, làm xáo trộn và cản trở nhận thức, không để tâm trí bạn được yên.

Nếu trong bốn tuần qua, bạn đã chú tâm quan sát dòng suy nghĩ miên man không ngớt của mình, có thể bạn đã nhận ra một thực tế nổi bật rằng: Các ý nghĩ cần thiết, quan trọng và hữu ích chỉ chiếm phần nhỏ trong khi các ý nghĩ vô giá trị và buồn phiền lại chiếm phần lớn trong tâm trí bạn.

Khước từ Nhã nhặn giúp bạn phát triển một cách thức mới để đối phó khéo léo với “đám" suy nghĩ lộn xộn đó. Tất cả những gì bạn cần làm là phải kiên quyết nhưng lịch sự.


 

BẠN SẼ LÀM GÌ?


Mục đích của kỹ thuật thiền Khước từ Nhã nhặn là nhằm giúp bạn chặn dòng suy nghĩ lan man ngay khi chúng vừa khởi lên. Dưới đây là câu chuyện minh họa cho những gì tôi muốn nói:

Hãy tưởng tượng những ý nghĩ giống như một dòng người bán hàng dài bất tận đang đứng trước cửa nhà bạn, chào bán đủ loại hàng hóa, từ máy hút bụi cho đến điện thoại di động - tuyệt nhiên không có mặt hàng nào bạn muốn mua. Cứ vài giây một lần, một người bán hàng lại gõ cửa liên hồi cho đến khi bạn mở cửa mới thôi. Và khi cửa vừa mở, anh ta lập tức huyên thuyên về món hàng và chẳng chịu rời đi cho đến khi bán được.

Vậy đâu là cách tốt nhất để tống khứ những kẻ quấy rầy phiền nhiễu này mà vẫn giữ được sự bình tĩnh, đúng mực?

Đó là mở cửa, nhìn thẳng vào mắt họ, nói kiên quyết nhưng lịch sự: “Không, cảm ơn" rồi nhanh chóng đóng cửa lại. Bằng cách này, bạn sẽ thoát khỏi tình thế khó khăn, thay vì mất bình tĩnh và nổi quạu lên. Những người chào hàng chẳng bao giờ chịu để bạn yên nhưng bạn vẫn có thể đối phó với họ bằng một cách đơn giản, không nhưng không làm bạn stress hay tức giận mà - thực tế là - còn rất hòa nhã. Đó là "Khước từ Nhã nhặn".

Tuần này, khi tập thiền, bạn hãy nhớ: ý nghĩ giống như dòng người bán hàng dài bất tận, luôn tìm cách thu hút sự chú ý của bạn. Bạn hãy xử lý từng ý nghĩ bằng một cách duy nhất: Mở cửa, nhìn thẳng vào "mắt" chúng và nhã nhặn khước từ. 


CHỈ DẪN THỰC HIỆN
THIỀN CỦA TUẦN KHƯỚC TỪ NHÃ NHẶN 


CHUẨN BỊ

- Đặt đồng hồ hẹn giờ 8 phút.

- Ngồi trên ghế, đúng tư thế thiền, tâm trí thoải mái và tỉnh táo.

- Nhẹ nhàng khép mắt lại.

- Hít một hơi dài, sâu, gạt bỏ những phiền muộn, hi vọng, mộng tưởng hiện tại. Giữ hơi lại một lúc. Sau đó từ từ thở ra, nhẹ nhàng và chậm rãi.

- Lặp lại một lần nữa.Hít thật sâu. Buông bỏ mọi căng thẳn còn sót lại trong tâm trí.

- Bấm đồng hồ.

THỰC HÀNH

- Hãy nhẹ nhàng hướng sự chú ý vào hơi thở.

- Một ý nghĩ xuất hiện trong ý thức ngay sau đó, giống như người bán hàng không mời mà đến, đang gõ cửa ngoài kia.

- Ý thức rằng ý nghĩ này có mặt ở đây để lôi kéo sự chú ý của bạn.

- Kiên quyết nhưng lịch sự từ chối “dây dưa” với nó.

- Tiếp tục chú ý đến hơi thở. Ngồi im lặng cho đến khi ý nghĩ khác gõ cửa.

- Một lần nữa nhã nhặn từ chối dây dưa với ý nghĩ này.

- Tiếp tục chú ý đến hơi thở. Khước từ nhã nhặn bất cứ khi nào cần thiết.

- Tiếp tục luyện kỹ thuật này cho đến khi chuông hẹn giờ reo.

- Lặp lại kỹ thuật này 8 phút mỗi ngày, liên tục trong một tuần. 



KỸ THUẬT NÀY NHƯ THẾ NÀO?


Nếu đã cảm nghiệm được vị của kỹ thuật Khước từ Nhã nhặn, chắc hẳn bạn cũng cảm nhận được tâm trí mình bình yên thế nào khi từ chối được các ý nghĩ tiêu cực, vụn vặn không mong muốn.

Kỹ thuật Khước tử Nhã nhặn không phải lúc nào cũng dễ thực hiện. Ý nghĩ của bạn giống như những người bán hàng, không ngừng tìm cách thuyết phục rằng những gì họ đang chào mời có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại của bạn và bạn cần lắng nghe - ngay lập tức! Đây là tình huống mà kỹ thuật Thiền Khước từ Nhã nhặn - dù chỉ 8 phút mỗi ngày - có thể tạo nên sự khác biệt lớn lao. Nó dựng lên một bức tường bảo vệ bạn khỏi những lời mời chào, dụ dỗ. Bạn cũng có thể áp dụng kỹ thuật Khước từ Nhã nhặn đối với các cảm giác của cơ thể. Khi một cảm giác cơ thể xuất hiện "mời chào" trong lúc bạn thiền, hãy xử lý nó như cách bạn làm với ý nghĩ không mong muốn: Nhã nhặn khước từ, không dây dưa với nó.

Khước tử Nhã nhặn là công cụ hữu ích mà bạn có thể sử dụng mỗi ngày. Nó đặc biệt tiện lợi khi xử lý những trường hợp như con trẻ la rẻ om sòm, bị chào hàng qua điện thoại hay bị các chương trình quảng cáo truyền hình làm phiền.

HỎI - ĐÁP:
NHỮNG PHIỀN TOÁI ĐỐI VỚI TÂM TRÍ VÀ CƠ THỂ 

Tại sao tôi không thể ngăn những ý nghĩ lởn vởn trong đầu?


Tôi đã trình bày về thách thức này trong phần Hỏi - Đáp liên quan đến lời bài hát ở Tuần Thứ Ba. Hãy ôn lại một lần nữa để xử lý những ý nghĩ trở đi trở lại trong đầu.

Trước hết, bạn cần biết rằng bạn không cô độc khi bị những ý nghĩ kiểu này hành hạ. Tất cả những người tập thiền, từ người mới nhập môn cho đến những bậc thiền sư đều có lúc vướng vào những ý nghĩ trở đi trở lại trong lúc hành thiền. Tôi đã thiền hơn ba mươi lăm năm và bây giờ đôi lúc vẫn bị những ý nghĩ kiểu này bất thình lình ập tới dù rằng không nhiều như trước đây.

Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tại sao trong khi bạn thiền, tâm trí bạn cứ như thể chuyển sang chế độ tấn công, dồn dập dội lên bạn những khúc nhạc quảng cáo thức ăn nhanh, nhưng giai điệu xưa cũ và thậm chí tệ hại hơn là những chuyện khó chịu trong cuộc sống, chẳng hạn như cuộc cãi vã với ông sếp hồi sáng. Cứ như thể có một chiếc máy chiếu phim quái quỷ vùi sâu trong tâm trí bạn, và nó bị kẹt, đày đọa bạn phải xem đi xem lại một cảnh duy nhất.

Thiền có thể giúp bạn. Bạn không cần làm gì đặc biệt hay học bất kỳ kỹ thuật mới nào. Bởi lẽ, suy nghĩ lặp đi lặp lại chỉ khác với suy nghĩ bất chợt một điểm duy nhất: Sự tái diễn, tuần hoàn của nó. Vì thế, bạn chỉ cần xử lý nó đúng như cách bạn xử lý một ý nghĩ đơn lẻ.

Có nghĩa là khi một ý nghĩ xuất hiện và tan biến rồi lại bất chợt khởi lên, bạn hãy xử lý như thể nó mới xuất hiện lần đầu: Tiếp nhận rồi buông bỏ. Cách xử lý này hoàn toàn phù hợp với các chỉ dẫn thực hành thiền của chúng ta: Chấp nhận... Chấp nhận... Chấp nhận và Nắm bắt và Buông bỏ.

Bạn phải làm vậy bao nhiêu lần? Chừng nào các ý nghĩ vẫn còn trở lại, bạn còn thực hiện. Nhưng đừng lo lắng, nó sẽ không kéo dài mãi. Cũng như bất kỳ ý nghĩ nào khác, ý nghĩ lặp đi lặp lại cũng luôn chuyển dịch. Bạn chỉ cần thả lỏng, quan sát và vượt qua nó. 


Nếu trong lúc thiền, tôi thấy đau thì sao?


Bạn phải dừng thiền ngay lập tức.

Trong lúc thiền, lưng bạn không có điểm tựa nên cũng không có gì bất thường nếu bạn cảm thấy khó chịu vì một cơn đau nhẹ. Cơn đau này sẽ giảm dần khi bạn kiên trì thiền tập hàng ngày. Và hãy nhớ những gì tôi đã nói trong phần chỉ dẫn tư thế ngồi thiền: Nếu bạn cần tựa lưng vào ghế, hãy cứ tự nhiên.

Khả năng bạn bị đau khi ngồi thiền 8 phút trên ghế không nhiều. Nhưng nếu đau, hãy dừng thiền và làm bất cứ việc gì cần thiết để khắc phục tình trạng này.

Tôi thực sự cần đi vệ sinh! Tôi có nên dừng thiền lại hay không?


Câu trả lời ngắn gọn dành cho bạn: Hãy đi vệ sinh trước khi thiền. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu khẩn cấp trong lúc thiền, bạn hãy thử nghĩ thế này: "Tôi phải đi tiểu! Ngay bây giờ! Nhưng tôi phải thiền". Cụ thể, bạn sẽ làm như sau:

Mặc nhiên để mọi ý nghĩ, cảm xúc, cảm giác cơ thể xung quanh việc "phải đi lập tức" trào lên và trôi qua.

Kỹ thuật thiền này rất hữu ích, nó cho bạn thấy một cảm giác khó chịu dù là rất nhỏ của cơ thể cũng có thể bị tâm trí "phóng đại” ra sao. Hãy thử quan sát xem những ý nghĩ về sự bất tiện này được tạo ra như thế nào. Chẳng hạn như cảm giác có lỗi vì đã không đi vệ sinh trước lúc thiền, hoặc tức giận một người thân vì người đó đã khiến bạn tất bật đến nỗi không có thời gian đi "giải quyết", hoặc cảm giác lo ngại "bị sự cố" nếu cứ tiếp tục ngồi thiền.

Chỉ quan sát các ý nghĩ, cảm xúc và cảm giác cơ thể khi chúng trào lên và trôi đi. Rồi đồng hồ hẹn giờ sẽ reo trước khi bạn kịp nhận ra và thế là bạn hoàn thành buổi tập.

Và đừng quên, như tôi vừa nói, nếu bạn cảm thấy đau thực sự, hãy dừng thiền ngay lập tức.

Bạn làm rất tốt! Nếu đây là ngày thứ bảy của tuần luyện tập, hãy lật trang sau và bước sang tuần kế tiếp!
MORE

Related Posts

TUẦN 05: KHƯỚC TỪ NHÃ NHẶN
4/ 5
Oleh

Xem Thêm

MENU


Loading...
Cách ngồi thiền nghe nhạc tịnh tâm