Tuần 08: THIỀN PHỐI HỢP

 Tuần 08: THIỀN PHỐI HỢP 
Sự phối kết hợp các phương pháp thiền sẽ giúp bạn chọn được cách thiền hiệu quả nhất cho bạn


Trong tuần này, tuần cuối cùng của Chương trình 8 Phút Thiền, đừng ngạc nhiên nếu bạn vẫn còn cảm thấy:

- Tôi không hiểu thiền là gì.

- Lẽ ra thiền tập của tôi phải tiến xa hơn nữa.

- Lẽ ra đến thời điểm này, sự thiền tập phải trở nên dễ dàng hơn, nhưng thực tế thì không như vậy.

- Lẽ ra tôi phải thiền giỏi hơn.

- Tôi thất bại và thiền không thích hợp với tôi.

Hoặc ngược lại, cũng có thể bạn tin rằng, chỉ trong bảy tuần, bạn đã hoàn toàn tinh thông thiền định. Đã tỏ tường rồi, mãn nguyện lắm rồi và giờ thì: Thôi, khỏi cần tập nữa!

Như bạn đã biết và như tôi cũng đã nói ngay từ đầu, thiền không quá dễ mà cũng không quá khó. Vì thế, không thể nói là bạn đã thất bại hoặc tinh thông thiền định. Nhưng có một điều chắc chắn là: Qua bảy tuần vừa rồi, bạn đã thiết lập nền tảng vững chắc cho thiền tập, nền tảng đó có thể tiếp tục phát triển và kéo dài suốt cả cuộc đời.

Hãy tự kiểm tra nhanh xem bạn đang ở đâu trong "lộ trình thiền tập" của mình.

- Nhẹ nhàng nhắm mắt lại.

- Hít một hơi thật sâu và để tâm trí lắng đọng.

- Hãy để tâm trí bạn chiếu lại các sự kiện trong những ngày qua.

- Tìm một sự việc, sự kiện hay trải nghiệm mà bạn thấy bản thân mình có phản ứng khác hơn so với bình thường. Không nhất thiết phải là chuyện gì to tát lắm. Có thể chỉ là những việc đơn giản, chẳng hạn như cách bạn nhấp một ngụm trà.

- Vào khoảnh khắc đó, bạn đã cảm thấy như thế nào? Bình yên, thư thái hơn, đỡ căng thẳng hơn? Tỉch thức và biết đón nhận hơn? Hiện hữu hơn trong hiện tại? Và hoạt bát hơn?

- Hãy mở mắt ra.

Nếu đã tập thiền hàng ngày trong suốt bảy tuần qua, bạn có thể nhớ lại ít nhất một khoảnh khắc như vậy. Có thể nó xuất hiện vào ngày thứ Ba, khi bạn kẹt trong đoàn người xếp hàng chờ đến lượt giao dịch ở ngân hàng nhưng vẫn thấy mình trầm tĩnh hơn thường lệ. Và bạn chợt nhận ra mình đã quen với việc quan sát hơi thở đến mức nào. Hoặc có lẽ khoảnh khắc đó xuất hiện vào tối hôm qua: Khi đang rửa chén bát, bạn chợt cảm thấy dòng nước ấm đầy bọt xà phòng nơi cổ tay mình mới dễ chịu làm sao.

Dù có vẻ nhỏ nhặt, nhưng những chuyện như thế quả thật rất có ý nghĩa. Những gì đang xảy ra chính là sự chuyển hóa - điều bình thường trở nên kỳ diệu: Bạn tỉnh thức và thấy một thế giới hoàn toàn tươi mới.

Đó chính là sức mạnh của thiền. Và giờ đây bạn đã có nó! Chúng ta hãy bước vào Tuần Thứ Tám.

BẠN SẼ LÀM GÌ?


Thiền Phối hợp là kỹ thuật cao cấp và tinh tế nhất trong Chương trình 8 Phút Thiền. Nó chỉ khó hơn một chút so với việc phải chọn một món từ cột A rồi chọn một món khác từ cột B. Bạn đừng lo lắng hay cảm thấy e ngại: Thiền Phối hợp chỉ là một kỹ thuật kết hợp một số kỹ thuật của 8 Phút Thiền mà bạn đã tập luyện trong vài tuần qua.

Trong Tuần Thứ Hai của chương trình, bạn đã làm quen với Kỹ thuật âm thanh Trống rỗng, học cách lắng nghe mọi âm thanh mà không diễn giải chúng. Rồi trong Tuần Thứ Ba, bạn đã làm quen với Kỹ thuật Chú ý cảm giác cơ thể: Quan sát các cảm giác trỗi dậy từ cơ thể. Gần đây hoạt trong Tuần Thứ Sáu, với kỹ thuật thiền Soi chiếu Nội tâm, bạn đã học cách quan sát những hình ảnh xuất hiện ở màn chiếu ảo phía sau đôi mắt. Bây giờ, bạn sẽ phối hợp cùng lúc ba kỹ thuật này.

Tập Thiền Phối hợp khá giống việc học môn tung hứng. Sau đây, chúng ta cùng điểm qua kỹ thuật này:

- Một hiện tượng: ý nghĩ, cảm giác cơ thể hoặc hình ảnh xuất hiện.

- Bạn tiếp nhận, quan sát và "dán nhãn" cho nó bằng một trong ba cái tên sau:

+ Tiếng nói

+ Cảm giác cơ thể

+ Hình ảnh

- Khi một hiện tượng khác xuất hiện, bạn tiếp tục làm như trên.

Nếu một hiện tượng mới nảy sinh trong khi hiện tượng khác đang tồn tại, cứ tiếp nhận và “dán nhãn" cho nó. Chẳng hạn, khi bạn đang quan sát hơi thở mà hình ảnh “tôi lái xe” xuất hiện, bạn hãy đặt tên như sau: “Cơ thể... hình ảnh... hình ảnh và cơ thể... hình ảnh và cơ thể…”

Sau đây là ví dụ về cách bạn đặt tên những gì xuất hiện trong vài giây:

Hình ảnh... hình ảnh... cơ thể... cơ thể và hình ảnh... hình ảnh... tiếng nói... tiếng nói... tiếng nói và hình ảnh... tiếng nói và hình ảnh... cơ thể... hình ảnh... tiếng nói... hình ảnh.

Đừng bối rối nếu bạn thấy mình không theo kịp khi các hiện tượng xuất hiện và chuyển động nhanh đến vậy. Điều này xảy ra với tất cả mọi người và cũng chẳng có gì quan trọng lắm. Mức độ chú tâm của bạn khi quan sát những gì xảy ra mới là điều quan trọng. Khi không theo kịp, hãy xem như bạn vừa nhỡ một chuyến xe buýt. Chẳng bao lâu sẽ có chuyến xe khác đến. Bạn chỉ cần giữ tâm trạng thoải mái, đợi chờ rồi nhảy lên xe.

Kỹ thuật Thiền Phối hợp rất hiệu quả: Nó có thể khiến bạn bận rộn quan sát sự khởi lên và lắng xuống của các hiện tượng đến mức bạn "mất dấu" bản thân. Và khi ý thức về bản thân mất đi, bạn có thể cảm nghiệm một cảm thức gọi là “trạng thái chứng nhân".

Bạn còn nhớ câu thoại nổi tiếng trong phim Dragnet (Cuộc săn lùng) nói đến ở phần trước? Bạn có thể nói rằng "trạng thái chứng nhân" có nghĩa là: "Chỉ sự thật thôi, thưa bà". "Trạng thái chứng nhân" có thể là bất an hoặc hoan hỉ hay bất cứ cảm giác nào lưng chừng ở giữa. Chỉ cần tiếp nhận cái đang là như nó vốn đang là. Đừng kìm giữ hay lẩn tránh nó. Như bạn biết, mọi thứ, kể cả "trạng thái chứng nhân, sẽ đến rồi đi, giống như những đám mây lướt nhanh qua bầu trời bao la. Vì vậy, hãy thư giãn và cố gắng hết sức. Như một chỉ dẫn thực hành thiền đã nói: "Hãy vui vẻ với việc bạn làm!". 


CHỈ DẪN THỰC HÀNH
THIỀN CỦA TUẦN THIỀN PHỐI HỢP

CHUẨN BỊ


- Đặt đồng hồ hẹn giờ 8 phút. 

- Ngồi trên ghế, đúng tư thế thiền, tâm trí thoải mái và tỉnh táo.

- Nhẹ nhàng khép mắt lại.

- Hít một hơi dài, sâu, gạt bỏ những phiền muộn, hi vọng, mộng tưởng hiện tại. Giữ hơi lại một lúc. Sau đó từ từ thở ra, nhẹ nhàng và chậm rãi.

- Lặp lại một lần nữa.Hít thật sâu. Buông bỏ mọi căng thẳn còn sót lại trong tâm trí.

- Bấm đồng hồ.


THỰC HÀNH


- Điều gì đó nảy lên trong tâm trí bạn.

- Ghi nhận hiện tượng này bằng một trong những cụm từ:

+ Tiếng nói, bên trong hoặc bên ngoài tâm trí.

+ Cảm giác cơ thể.

+ Hình ảnh

- Gọi tên hiện tượng đó bằng những từ sau đây:

+ Tiếng nói.

+ Cơ thể.

+ Hình ảnh

- Quan sát sự khởi lên và lắng xuống của hiện tượng này.

- Rồi một hiện tượng khác khởi lên. Mở rộng ý thức để tiếp nhận nó. “Dán nhãn” cho nó là tiếng nói, cơ thể hoặc hình ảnh.

- Khi có nhiều hiện tượng đồng thời xuất hiện trong tâm trí, hãy cố gắng ghi nhận chúng. Các hiện tượng này có thể cùng nhau hoặc luân phiên trỗi lên rồi lắng xuống.

- Nếu không kịp “dán nhãn – gọi tên”, không cần phải cố theo đuổi. Hãy dừng lại, hít một hơi thật sâu và đợi hiện tượng tiếp theo xuất hiện.

- Đừng bối rối nếu bạn không thể theo kịp mọi thứ. Hãy bình thản quan sát: Tiếng nói, cơ thể hoặc hình ảnh, đơn lẻ từng hiện tượng, hai hoặc tất cả cùng một lúc. Hãy để mọi thứ khởi lên và dần tan biến.

- Tiếp tục luyện kỹ thuật này cho đến khi chuông hẹn giờ reo.

- Lặp lại kỹ thuật này 8 phút mỗi ngày, liên tục trong một tuần.


KỸ THUẬT NÀY NHƯ THẾ NÀO?


Thiền Phối hợp là kỹ thuật thiền khá khó. Đó là lý do tôi để dành nó cho tuần cuối cùng. Hãy xem nó là bài thi cuối kỳ mà bạn vừa vượt qua một cách mỹ mãn.

Mặc dù có thể gặp một chút bối rối, khó chịu và thất vọng khi thực hiện kỹ thuật này nhưng bạn đang xem nó là biển báo cho biết bạn còn phải đi bao xa, mà hãy xem nó là cột mốc cho biết bạn đã đi được chặng đường dài như thế nào. Nếu tôi hướng dẫn bạn kỹ thuật Thiền Phối hợp ngay từ Tuần Thứ Nhất, có thể bạn đã giơ tay xin hàng rồi ném phút cuốn sách này đi!

Thay vì thế, lúc này đây, chỉ qua tám tuần tập luyện, bạn đã có thể lĩnh hội và thực hành một kỹ thuật thiền đòi hỏi sự tiếp nhận, nhận thức và tập trung ở mức độ cao! Xin chúc mừng! Bạn đã là một thiền giả, với sự thiền tập có thể kéo dài suốt đời - sự thiền tập mà tôi hi vọng bạn có thể nâng lên đến tầng kế tiếp. Sự nâng cao đó là những gì sẽ được trình bày trong Phần III của cuốn sách này.

Nếu bạn đã siêng năng theo đuổi chương trình tám tuần, rõ ràng là thiền đã trở thành điều gì đó "cộng hưởng" sâu xa trong bạn. Và tôi dám cá rằng bạn đang nóng lòng chuyển sang Phần III. Lời khuyên sau đây dành cho bất kì ai - vì bất kì lý do nào đó - chỉ thỉnh thoảng tập luyện Chương trình 8 Phút Thiền hoặc chỉ đọc những dòng này vì nghĩ rằng mình có thể bỏ qua hàng trăm trang phía trước và "đi thẳng vào trọng tâm".

Nếu bạn rơi vào một trong hai trường hợp trên, đừng tự trách bản thân hoặc nghĩ rằng bạn đã thất bại hay "thiền quá khó". Nếu bạn chỉ thiền một tuần trong tám tuần qua, thì giờ là lúc bạn phải thiền nhiều hơn nữa. Sau đây là cách đơn giản và dễ dàng để bắt đầu thiền lại: Quay lại điểm dừng gần đây nhất trong chương trình và bắt đầu từ đó.

Như tôi đã từng nói nhiều lần, không có khái niệm thành công hay thất bại trong thiền. Đây là một thói quen luyện tập - không phải là điều gì đó mà bạn thực hiện một lần, trong một đợt 8 ngày hay thậm chí 8 tuần, rồi loại nó ra khỏi danh sách những việc cần làm. Thiền là một quá trình diễn ra liên tục, một hành trình nhận thức, sáng tỏ và hạnh phúc - không phải trong tương lai trừu tượng nào đó mà ngay ở đây và bây giờ, tại khoảnh khắc này.

Dù bạn đã thiền trong tám tuần qua một cách dễ dàng hay tự cho mình "đã hoàn toàn thất bại", tôi cũng chỉ có một lời khuyên duy nhất dành cho bạn: Hãy tiếp tục thiền. Mỗi ngày, ít nhất mỗi lần 8 phút.

HỎI - ĐÁP:
CÂU HỎI ÔN TỐT NGHIỆP CHƯƠNG TRÌNH 8 PHÚT THIỀN


Đã qua tám tuần thiền nhưng tôi vẫn không cắt được những ý nghĩ nảy sinh trong lúc hành thiền. Có trục trặc gì chăng? 


Không có gì trục trặc cả, ngoại trừ việc bạn tin rằng có điều gì đó sai.

Tôi cho rằng quan niệm, đến một lúc nào đó, người tập thiền có thể chấm dứt hoàn toàn sự suy nghĩ khi thiền là "quan niệm hết sức sai lầm về thiền định". Đó là niềm tin lệch lạc của hầu hết những người mới bắt đầu tập thiền, cũng như của không ít người đã tu tập ở cấp độ cao hơn. Cho phép tôi nhắc lại điều này một lần nữa: Bạn chẳng có cách nào bắt tâm trí mình ngừng suy nghĩ! Công việc của tâm trí là: Suy nghĩ, phân tích, phê bình và phán đoán trong suốt 365 ngày mỗi năm, 7 ngày mỗi tuần, 24 tiếng mỗi ngày!

Bạn đã nghe tôi nói: Trong Chương trình 8 Phút Thiền, mục đích của chúng ta không phải là dập tắt suy nghĩ mà là vượt lên nó. Tình huống sau đây sẽ giải thích rõ hơn những gì tôi muốn nói: Hãy tưởng tượng bạn có một người bà con lập dị. Hãy gọi người đó là dì Fran. Dì ấy không nguy hiểm gì, nhưng lúc nào cũng bị ám ảnh về những vật thể bay không xác định (UFO) mà bà tin là sắp sửa xuất hiện ở siêu thị Wal-Mart gần nhà. Và siêu thị đó chính là nơi bạn và dì Fran đang tìm mua một cái lò nướng bánh.

Bạn ở đó, ngay giữa lối đi nhỏ của gian đồ điện, cố tìm loại lò nướng tốt nhất trong khi dì Fran cữ huyên thuyên không dứt bên tai bạn về việc UFO sắp đổ bộ, tấn công địa cầu.

Đầu óc bạn có bị tra tấn không? 

Hẳn nhiên là có. Vấn đề là bạn sẽ xử lý tình huống này như thế nào để hợp tình hợp lý nhất cho các bên liên quan, trong đó có dì Fran?

Bạn có thể hốt hoảng hối thúc người quản lý gian hàng phải cho tiến hành ngay cuộc diễn tập ứng phó với UFO. Hay gào lên: Hãy thôi đi hỡi bà già nhỏ bé và yêu quý của tôi ơi? Bạn có thể kéo bà dì ra bãi đỗ xe, nhốt bà trong xe cùng với chú chó giống Schnauzer.

Nhưng bạn có định làm thế không? Tất nhiên là không rồi! Bởi vì bạn là người cư xử đúng mực, tử tế, và trời ạ - bạn chỉ cần một cái lò nướng thôi mà! Vậy bạn phải làm gì?

Không làm bất cứ việc gì cả!

Đúng thế! Bạn hãy để cho dì Fran huyên thuyên về những sinh vật lạ ngoài trái đất cho đến lúc mỏi miệng. Cứ khoảng một phần bạn lại tự động gật gù, cười và nói: "Vâng" hoặc “Đúng rồi” cho qua chuyện. Nói cách khác, bạn nghe những lời huyên thuyên nhưng không để tâm đến chúng. Bạn hãy tập trung vào những cái lò nướng. Và những lời nói của dì Fran chỉ là “tiếng ồn vô hại".

Hãy áp dụng kịch bản này vào các suy nghĩ và thiền định. Hãy nghĩ về dì Fran không khác gì hơn cái Tâm trí Bất định, phát ra tiếng nói huyên thuyên không dứt, muốn cuốn bạn vào suy nghĩ kỳ cục, vớ vẩn và vô nghĩa. Hãy tường tượng lò nướng điện như một điểm neo trong thiền, giống như hơi thở của bạn.

Những gì bạn làm khi tọa thiền cũng giống hệt như những gì bạn làm trong siêu thị Wal-Mart: Hãy để dì Fran/tâm trí Bất định huyên thuyên đến lúc chán thì thôi. Trong khi đó, bạn cứ tập trung vào lò nướng điện/điểm neo.

Vì vậy đáng lo lắng vì bạn sẽ có cơ hội áp dụng kỹ thuật Nắm bắt và Buông bỏ ở trang 64 - 65. Tâm trí Bất định lúc nào cũng tồn tại. Hãy xem nó như một món quà nhắc nhở bạn rằng sự bình yên chỉ gần đâu đây nếu bạn biết mặc nhiên tiếp nhận những ý nghĩ đến rồi đi theo cách của chúng, có lúc thú vị và lắm khi kỳ quặc, điên khùng.


Thiền có thể giúp tôi giảm cân hoặc ăn uống lành mạnh hơn?


Bạn có thể giảm cân nếu tập thiền trên chiếc máy leo thang StairMaster!

Mặc dù 8 Phút Thiền là một dạng chế độ “ăn kiêng" cho tâm trí, nhưng bạn sẽ không giảm cân nhiều khi ngồi trên ghế 8 phút mỗi ngày.

Tuy nhiên, có một khía cạnh khác trong câu hỏi của bạn mà chúng ta có thể cùng nhau khảo sát: Thiền có thể giúp bạn thông minh hơn trong việc chọn lựa chế độ ăn? Câu trả lời của tôi là có. Chắc chắc sau khi tập thiền một thời gian, bạn sẽ thấy mình có những lựa chọn và sự thay đổi lành mạnh, tích cực hơn trong chế độ ăn và lối sống.

Chẳng hạn, vào một ngày nào đó, chẳng vì lý do nào cái bạn tự nhiên giảm thói quen uống năm tách cà phê sữa triple-latte-espresso mỗi ngày xuống còn ba tách, rồi còn một tách mỗi ngày và cuối cùng có thể bỏ hẳn. Thay đổi này dường như không phải là quyết định có chủ ý mà chỉ là điều gì đó "đơn giản phải xảy ra".

Tuy nhiên, điều có lẽ thực sự đang xảy ra ở đây là: Thiền định đang khiến bạn nhạy hơn với những hành vi tự động, vô thức mà trong trường hợp này là một hành vi không tốt cho sức khỏe. Sự thay đổi có vẻ dễ dàng này chính là một ví dụ nữa cho thấy thiền định chẳng những không lấy đi những thứ bạn thích mà còn tạo cho bạn cơ hội tỉnh thức để nhận thấy điều gì đó có thể không tốt cho bạn. Và bạn hành động để thay đổi! 

Thậm chí sau 8 tuần, tôi vẫn cảm thấy lạ lẫm mỗi lúc tập thiền?

Như tôi đã nói, cảm thấy lúng túng trong quá trình tập thiền là điều tự nhiên, nhất là trong những giai đoạn đầu tập luyện. Cũng rất bình thường nếu mỗi khi thiền, bạn lại cảm thấy mình đang làm điều gì đó trái lẽ thường". Tóm lại, quyết định dành 8 phút mỗi ngày trong cuộc sống bận rộn cho điều gì đó “không thiết thực" theo cách nghĩ thông thường có thể khiến bạn cảm thấy bối rối, ngượng ngập, thậm chí mặc cảm tội lỗi.

Tôi xin chỉ cho bạn một cách nhìn về thiền để giúp bạn chấp nhận những cảm giác lúng túng và lạ lẫm này: Hãy xem việc tập thiền của bạn như một mối quan hệ yêu đương mới bắt đầu. Dưới đây là nhưng gì tôi muốn nói:

Thời gian vài tuần đầu tiên của một quan hệ mới chớm được xem là thời kỳ "tìm hiểu, khám phá" hoặc thời kỳ "trăng mật". Mọi thứ đều tươi mới và bạn phấn chấn về những gì có thể xảy ra. Nhưng đồng thời, bạn cũng cảm thấy hơi bồn chồn, do dự và thậm chí lo âu về những gì mình sắp "dây vào".

Tuy nhiên, vì thực sự quan tâm đến người ấy nên bạn quyết định cho mối quan hệ này "một cơ hội" và chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Cuối cùng, như trong mọi mối quan hệ yêu đương, rồi cũng đến lúc có thể xác định rõ ràng mọi thứ có tiến triển tốt đẹp hay không. Thiền cũng vậy: Nó dường như mới mẻ và lạ lẫm ở giai đoạn đầu, nhưng một phần cảm giác này có thể là do sự hào hứng với việc khám phá điều gì đó rất có khả năng mang lại hạnh phúc cho bạn. Hãy kiên trì và cho nó một cơ hội! Hãy tin tôi, thiền định sẽ hiệu quả với bạn.
MORE

Related Posts

Tuần 08: THIỀN PHỐI HỢP
4/ 5
Oleh

Xem Thêm

MENU


Loading...
Cách ngồi thiền nghe nhạc tịnh tâm